Tài khoản đầu tiên của mình ở sàn chứng khoán Mỹ là tài khoản cash (ở Việt Nam chắc gọi là tài khoản giao dịch chứng khoán cơ sở). Với tài khoản này muốn mua cổ phiếu mình phải bỏ ra toàn bộ tiền. Ví để mua 100 cổ phần MSFT với giá 180$, tài khoản của mình phải có 18,000$. Sau khi mua, sàn ghi nhận mình sở hữu 100 cổ phần và trừ 18,000$ trong tài khoản. Mình thực sự là chủ sở hữu 100 cổ phần này và hưởng quyền lợi từ nó. Ví dụ, mình sẽ được nhận cổ tức (dividend) cỡ 50 cent/cổ phần mỗi quý. 100 cổ phần tương đương với 50$ mỗi quý (200$ cho cả năm).
Luật chứng khoán của Mỹ rất nghiêm ngặt và có xu hướng ủng hộ long-term investing (buy-and-hold) hơn là active trading. Ví dụ:
1. Tài khoản cash chỉ cho buy rồi sell, không được bán khống (short sell). Như vậy, bạn chỉ có thể kiếm lời qua trading bằng cách tìm các cổ phiếu giá rẻ, mua rồi chờ lâu lâu cho nó lên giá rồi bán. Muốn bán khống (short sell), tức là bán cổ phiếu giá cao rồi chờ khi giá rẻ để mua bù thì bạn phải xin sàn nâng cấp lên tài khoản kí quỹ (margin). Khi làm hồ sơ nâng cấp, bạn phải cung cấp nhiều thông tin (ví dụ, nghề nghiệp, thu nhập hàng năm, tổng tài sản, mức tài sản nhàn rỗi…) để sàn quyết định xem bạn có đủ đáng tin và đủ kinh nghiệm để quản lí tài khoản margin không.
2. Tài khoản cash chỉ cho phép bạn buy với settled fund (tiền đã quyết toán xong). Sau khi bạn bán cổ phiếu thì phải 2 ngày sau tiền của người mua mới được quyết toán vào tài khoản của bạn. Như vậy, sau khi bạn bán cổ phiếu, bạn phải đợi 2 ngày sau mới dùng tiền bán cổ phiếu đó để mua cổ phiếu khác. Muốn dùng tiền bán để mua ngay thì bạn phải nâng cấp lên tài khoản margin (và như ở điểm 1, điều này cũng cần điều kiện, cần được sàn phê duyệt).
3. Cả tài khoản cash và margin đều bị hạn chế giao dịch trong ngày (day trade). Một day trade bao gồm 2 giao dịch trong đó bạn mua và bán cùng một cổ phiếu trong cùng một phiên. Luật chỉ cho phép bạn thực hiện tối đa 3 day trade trong 5 ngày liên tiếp. Nếu bạn thực hiện quá 3 giao dịch, sàn sẽ khoá không cho bạn mở thêm giao dịch mới trong vòng 90 ngày (hoặc nếu vi phạm nhiều lần thì sẽ đóng tài khoản). Muốn thực hiện day trade không hạn chế thì bạn phải có tài khoản có giá trị ít nhất 25K.
4. Luật có nhiều ưu đãi về thuế cho buy-and-hold. Đóng thuế là chuyện rất phổ biến ở Mỹ. Chính quyền Mỹ hùng mạnh một phần vì thu quá nhiều thuế từ dân và doanh nghiệp. Nếu bạn đi làm có lương, bạn phải đóng thuế (income tax). Nếu bạn đầu tư có lãi, bạn phải đóng thuế (capital gain tax). Nếu bạn có tài sản để không, bạn cũng phải đóng thuế (property tax). Thậm chí, bạn có tiền đem tiêu (mua đồ ăn, mua ô-tô để đi…), bạn cũng phải đóng thuế (sales tax)…
Không giống như ở Việt Nam, thuế là khoản nộp tương đối lớn ở Mỹ. Ví dụ, thu nhập hiện nay của mình là 11K/tháng, nhưng mình chỉ nhận tiền mặt về tay khoảng 6.5K, phần còn lại phải đóng nhiều khoản thuế cho nước Mỹ (thuế liên bang, thuế tiểu bang, thuế Medicare và Social Security…)
Capital gain là khoản lãi bạn có được khi đầu tư. Ví dụ, mình mua cổ phiếu của Facebook rồi bán sau 2 tuần được lãi 1000$ thì khoản lãi này được gọi là capital gain. Mình sẽ phải trích một phần trong đó để đóng thuế.
Vì thời gian mình giữ cổ phiếu chỉ là 2 tuần nên khoản này được coi là short term gain. Nếu mình đợi sau 1 năm hoặc hơn mới bán thì khoản lãi được coi là long term gain. Nếu mình mua nhưng chưa bán thì giao dịch chưa hoàn thành, khoản lãi nếu có (gọi là unrealized captial gain) sẽ không phải đóng thuế ngay. Cho đến khi nào mình bán thì mới phải đóng.
Mức thuế cho short-term gain thường lớn hơn long-term gain. Ví dụ, hiện tại long-term gain có mức thuế tối đa 20% (tối thiểu 0%). Còn mức thuế cho short-term gain tối đa là 37%. Như vậy sau khi mua cổ phiếu, mình giữ càng lâu thì càng có lợi. Hoặc hay nhất là nếu buy-and-hold và không bán thì mình không phải đóng thuế gì cả. Vì thế, nhiều tỉ phú và quỹ đầu tư ở Mỹ (như Warren Buffet) chỉ mua vào chứ rất ít khi bán ra cổ phiếu. Hoặc nếu có bán, họ chỉ bán một phần nhỏ để điều chỉnh danh mục chứ ít khi bán toàn bộ.
Bài viết của anh Nam Minh được đăng lần đầu trên Facebook và được đăng lại tại Vietish với sự đồng ý của tác giả.