Công trình khoa học đầu tiên về định giá option một cách định lượng (mô hình Black Scholes) được trao giải Nobel Kinh tế. Như các công trình giải Nobel khác, mình không hiểu được chi tiết của mô hình Black Scholes (mặc dù từng là học sinh chuyên toán và có bằng PhD ngành học chuyên về tính toán và tối ưu).
Tuy nhiên, giống như ô tô hay xe máy, bạn không cần phải biết tường tận về vật lí, hoá học và cơ khí để hiểu vì sao ô tô chạy được mà vẫn có thể lái ô tô đi lại bình thường. Đa số option traders chắc không hiểu chi tiết mô hình Black Scholes nhưng vẫn giao dịch được option vì các hệ thống giao dịch option đều đã cài sẵn công thức tính giá.
Điều quan trọng với option traders là phỏng đoán giá option sẽ thay đổi như thế nào theo các điều kiện thị trường, nhờ đó có thể thực hiện giao dịch (bán hay mua, mở hay đóng vị thế).
Giá option phụ thuộc vào 5 yếu tố (được gọi là the Greeks – vì chúng mang tên chữ Hy Lạp):
1. Delta: Là mức thay đổi của giá option khi giá sản phẩm cơ sở (như cổ phiếu) thay đổi 1 đơn vị. Ví dụ, một call option có delta 0.3 thì sẽ tăng giá 0.3$ khi cổ phiếu tương ứng tăng giá 1$.
2. Gamma: Là mức thay đổi của delta khi giá cơ sở thay đổi. Ví dụ, khi gamma = 0.1 thì khi giá cổ phiếu tăng 1$, delta sẽ tăng 0.1. Khi delta tăng dần theo gamma thì giá option sẽ tăng nhanh hơn theo giá cổ phiếu.
3. Theta: Là mức thay đổi của giá option theo thời gian. Ví dụ, nếu theta = -0.1 thì option sẽ giảm 0.1$ mỗi ngày. Nếu các yếu tố khác không đổi thì option giảm giá dần theo thời gian (gọi là time-decay) mà theta chính là tốc độ giảm giá đó.
4. Vega: Là mức thay đổi của giá option theo mức biến động (volatility) về giá của sản phẩm cơ sở. Ví dụ, nếu vega = 0.1 thì giá option sẽ tăng 0.1$ mỗi khi độ biến động tăng 1%.
5. Rho: Là mức thay đổi của giá option theo lãi suất của tiền tệ. Thường lãi suất ít khi thay đổi nên option trader thường không quan tâm đến rho.
Do giá option phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên option trader có rất nhiều chiến thuật khác nhau. Chiến thuật yêu thích của mình như sau:
1. Mình không giỏi đoán xu hướng (giá lên hay xuống) nên mình không trade option theo xu hướng. Nói cách khác mình sẽ thiết lập các option của mình thành một vị thế có delta xấp xỉ 0 (gọi là delta neutral). Khi delta bằng 0 thì vị thế không phụ thuộc vào giá sản phẩm cơ sở (lên xuống tuỳ ý).
2. Phần lớn thời gian thị trường di chuyển theo range. Khi đó giá option giảm dần theo thời gian. Vì thế mình sẽ thiết lập các option của mình thành một vị thế có theta > 0, tức là mỗi ngày vị thế của mình sẽ giàu thêm một chút. Vì option cơ bản có theta < 0 nên muốn theta > 0 thì mình tập trung vào bán option chứ không phải mua.
3. Tuy nhiên, nếu mình dự đoán giá cổ phiếu sẽ thay đổi đột ngột (ví dụ sắp tới báo cáo tài chính, ra mắt sản phẩm hoặc quyết định lãi suất của ngân hàng trung ương) thì mình có thể mở các vị thế có vega > 0. Vì option cơ bản có vega > 0 nên muốn thế thì phải mua option. Còn ngược lại, nếu mình thấy độ biến động đã tăng rất lớn (VIX tăng mạnh) rồi sau đó sẽ giảm đi thì mình sẽ thiết lập vị thế có vega < 0. Lúc đó khi độ biến động giảm thì vị thế của mình sẽ có giá trị tăng lên.
Ví dụ như hôm trước mình đoán SPX sẽ chạy theo range 2910 đến 2950. Mình bán 1 call và 1 put ở 2 mức giá chốt ngang đó. Delta của vị thế xấp xỉ 0. Nếu SPX tăng thì bán call lỗ, nhưng bán put lãi nên tổng giá trị không đổi. Ngược lại, nếu SPX giảm thì bán call lãi, bán put lỗ nên tổng giá trị cũng không đổi.
Vì mình bán cả put và call nên theta của vị thế dương: Nếu SPX cứ chạy lòng vòng trong khoảng đó thì càng đến thời điểm hết hạn giá của call và put càng giảm. Đến khi hết hạn mà SPX vẫn nằm trong khoảng 2910 – 2950 thì 2 option mình bán trở thành vô giá trị, mình lãi toàn bộ tiền mình bán.
Tóm lại, dự đoán mức support và resistance cho thị trường thi tương đối dễ. Do vị thế có delta neutral nên giá tăng hay giảm đều đều cũng không ảnh hưởng đến mức lời lỗ. Vị thế được lợi về time decay nên cứ việc giữ option cho đến gần thời điểm hết hạn là ăn tiền phí. Vì thế chiến thuật này (iron condor) khá dễ chơi và không dễ làm mình bị ảnh hưởng tâm lí theo diễn biến thị trường.
Tuy nhiên, chiến thuật này khá nguy hiểm nếu thị trường biến động mạnh. Nếu giá tăng vọt lên quá 2950 hoặc giảm mạnh xuống 2910 thì mình sẽ lỗ lớn – vì giá option khi đó sẽ tăng vọt. Do đó chiến thuật này chỉ nên thực hiện khi thị trường khá yên ổn. Còn nếu bạn dự kiến thị trường sẽ biến động mạnh thì bạn trade chiến thuật ngược của nó (strangle): thay vì bán cặp put và call thì bạn mua cặp đó. Khi đó giá tăng hay giảm mạnh thì vị thế của bạn đều có lãi.
Bài viết của anh Nam Minh được đăng lần đầu trên Facebook và được đăng lại tại Vietish với sự đồng ý của tác giả.