Có 2 chiến thuật giao dịch option khi dự đoán sản phẩm cơ sở tăng giá: mua call hoặc bán put. Ví dụ, bạn dự đoán giá cổ phiếu Apple sẽ tăng từ 90 đến 100. Bạn có thể mua 1 call giá chốt 90. Giả sử trước khi tăng, option này có giá là 5$/cổ phần. Một option thì ứng với 100 cổ phần, nên giá call option này là 500$. Sau khi giá Apple tăng lên 100 thì call option có thể có giá 11$/cổ phần, tổng giá trị là 1100$. Bạn có thể bán đi để đóng vị thế và lãi 600$.
Bạn cũng có thể bán 1 put giá chốt 90. Giả sử trước khi tăng, option này có giá là 5$/cổ phần. Một option thì ứng với 100 cổ phần, nên giá put option này là 500$. Khi bán bạn sẽ được nhận 500$ đó. Sau khi giá Apple tăng lên 100 thì put option có thể chỉ còn có giá 1$/cổ phần, tổng giá trị là 100$. Bạn có thể mua lại để đóng vị thế và lãi 400$.
Vậy giữa mua call và bán put, điểm nào lợi hơn? Thường với thị trường tài chính high risk – high reward. Bạn có lợi về risk thì sẽ bất lợi về reward hoặc ngược lại.
Nếu mua call thì bạn có những bất lợi sau. Vì theta của option là âm, khi bạn mua option, giá option của bạn sẽ giảm dần theo thời gian. Càng đến ngày hết hạn thì giá giảm càng nhanh. Do đó mua call không có lợi về thời gian. Hơn nữa, muốn hoà vốn, giá cổ phiếu phải ít nhất bằng giá chốt + giá option. Trong ví dụ trên, giá Apple phải tăng ít nhất lên 90 + 5 = 95 thì bạn mới hoà vốn khi call option hết hạn. Như vậy, khi mua call option, bạn kì vọng cổ phiếu phải di chuyển xa hơn giá chốt (95 > 90) thì mới hoà vốn và có lãi.
Ngược lại khi bạn bán put, bạn có theta dương. Mỗi ngày trôi qua, dù cổ phiếu không giảm hay tăng giá thì giá option bạn bán cũng giảm chút xíu. Điểm hoà vốn của bạn cũng thấp hơn: 90 – 5 = 85. Tức là giá cổ phiếu chỉ cần lớn hơn 85 là bạn có lãi. Nếu đến ngày hết hạn mà giá cổ phiếu vẫn lớn hơn giá chốt (90) thì bạn hưởng trọn tiền phí bán ban đầu.
Hơn nữa, khi sắp báo cáo tài chính thì thường các option đều tăng giá. Vì thị trường trông đợi giá cổ phiếu sẽ tăng giảm mạnh sau khi có kết quả báo cáo làm implied volatility (IV) tăng lên, khiến vega tăng. Sau khi ra báo cáo thì mọi thứ đã rõ ràng, IV giảm xuống làm vega giảm nên giá option sẽ giảm theo. Vì thế mua option trước báo cáo tài chính thiệt hơn là bán (vì giá cao hơn).
Tuy nhiên bán option thì có rủi ro cao hơn mua option. Giả sử giá cổ phiếu giảm từ 90 về 80. Khi đó call option của bạn cũng giảm giá, nhưng không về tới 0 ngay mà có thể vẫn ở cỡ 2$/cổ phần. Bạn bán đi thì cũng chỉ lỗ 300$. Nếu bạn vẫn giữ call option cho đến khi hết hạn mà cổ phiếu vẫn không tăng thì bạn chỉ lỗ tối đa số tiền bạn mua là 500$.
Ngược lại, nếu giá giảm từ 90 về 80 thì giá put option có thể tăng từ 5$ lên 11$ hoặc hơn. Khi giá giảm mạnh thì thường vega (độ tăng của giá option theo độ biến động của giá) cũng tăng, làm giá put option tăng theo rất nhanh. Bạn bán put option chỉ lãi tối đa 500$ tiền bán, nhưng có thể lỗ tới nhiều lần số đó. Trong ví dụ này bạn lỗ 600$. Giá càng giảm thì lỗ càng lớn.
Vì thấy mua call bất lợi hơn bán put (do time decay, do mức giá hoà vốn cao) nên mình thường chọn chiến thuật bán put. Vì sàn không cho mình bán naked put, nên mình thường bán put spread. Một option spread là một cặp option gồm một long (buy) và một short (sell). Ví dụ khi bán put giá chốt 90 thì mình mua thêm put giá chốt 80 để bảo vệ.
Mình thường chọn spread rộng để giá put option mình phải mua thấp (lãi tổng thể sẽ lớn hơn). Nhưng đó cũng là lựa chọn khá nguy hiểm. Vì khi giá cổ phiếu giảm mạnh thì mình sẽ lỗ cả spread đó (trừ đi tiền bán ban đầu). Ví dụ, nếu spread là 90 – 80 thì mình sẽ lỗ 10$ mỗi cặp put khi giá giảm xuống dưới 80. Còn nếu spread là 90 – 85 thì mình chỉ lỗ 5$ dù giá có xuống dưới 85 hoặc sâu hơn nữa.
Để an toàn, mình thường chọn bán put với delta nhỏ. Delta là xác suất thị trường dự đoán chạm giá chốt. Ví dụ, giá Apple đang là 100 và delta của put option giá chốt 90 là -0.3, thì thị trường đang dự đoán giá Apple có thể về 90 với xác suất 30%. (Delta của put âm vì put tăng giá khi giá sản phẩm giảm). Mình thường chọn bán put có delta ở mức 0.1 đến 0.15, tức là xác suất chạm giá chốt chỉ là 10 đến 15%. Như thế mình sẽ có lãi với xác suất 80-85%. Còn put mình mua cho đủ spread thường có delta = -0.05, tức là xác suất mình lỗ toàn bộ spread là 5%.
Bài viết của anh Nam Minh được đăng lần đầu trên Facebook và được đăng lại tại Vietish với sự đồng ý của tác giả.