Qua quan sát và trò chuyện, mình nhận thấy rất nhiều bạn newbie đang lặp lại những sai lầm giống mình ngày xưa. Mình đã phải trả rất nhiều “học phí” cho thị trường, nên không hi vọng mọi người cũng thiệt thòi giống mình. Vì vậy mình dự định chia sẻ các trải nghiệm của mình từ trước đến nay (trích từ nhật kí trading), nhất là những sai lầm và những bài học mình có được.
Những bài viết này đã được chia sẻ với các bạn giao dịch ngoại hối (forex trader) ở Việt Nam. Mình sẽ biên tập lại đề phù hợp với những bạn đang giao dịch quyền chọn (option trader) ở Mỹ. Hi vọng những trải nghiệm này sẽ có ích với mọi người.
Ngày xx/xx/2013. Mình tốt nghiệp PhD và nhận job offer làm college professor với lương và benefit hàng năm tới 150K. Mình cảm thấy “life is so beautiful”.
Ngày xx/xx/2014. Sau nhiều năm chăm chỉ làm việc và tiết kiệm, nhất là một năm đi làm full time, mình đã có một tài khoản tiết kiệm 50K. Ban đầu mình dự định mua nhà cho đúng American Dream. Nhưng sau khi tìm hiểu thì mình thấy mua nhà không có lợi lâu dài.
Thứ nhất, mình chưa có đủ tiền. Nhà mới xây, vị trí đẹp quanh nơi mình sống có giá tối thiểu 300K. Để mua được thì mình phải vay ngân hàng thêm 250K. Với thu nhập và credit score của mình thì mình có thể xin vay được không khó. Nhưng khoản vay 250K với lãi suất hàng năm 4% sẽ có tổng tiền lãi là 10K mỗi năm, tương đương với tiền mình đang trả để thuê nhà. Ngoài ta còn các chi phí khác như tiền sửa chữa (maintenance), phí bảo hiểm tài sản (insurance), thuế nhà đất (property tax)…
Thứ hai, công việc của mình không ổn định. Làm professor ở một trường đại học chuyên về nghiên cứu có áp lực khá lớn. Hàng năm bọn mình đều phải có annual performance review và ai không đạt chuẩn đều có nguy cơ bị đuổi việc. Nếu sau 6 năm làm việc mà kiếm về cho trường được ít nhất 500K tiền quỹ nghiên cứu thì mình mới có cơ hội có biên chế (tenure), trở thành associate professor và không lo bị đuổi việc nữa.
Mua nhà với khoản nợ 30 năm trong tình huống như vậy không phải là một lựa chọn hay. Thực tế, sau 4 năm thì mình chuyển trường khác. Nhiều bạn đồng nghiệp của mình mua nhà rồi khi chuyển trường khác lại phải bán nhà rất phiền phức.
Nhưng để tiền tiết kiệm nằm không cũng không hay, vì lãi suất savings lúc đó xấp xỉ 0%. Mình nghĩ phải đem tiền đầu tư thì mới không lãng phí cơ hội. Ở Mỹ đầu tư dễ nhất là trên thị trường chứng khoán (stock market).
Hồi mình còn nhỏ (cỡ năm 1997 – 1998), có xảy ra khủng hoảng tiền tệ châu Á. Mình xem bản tin thời sự nói nhiều nhà đầu tư nhảy lầu tự tử. Rồi đến khủng hoảng công nghệ 2000, khủng hoảng tài chính 2008…, mình vẫn đọc rải rác những mẩu tin như vậy. Chúng khiến mình có cảm giác thị trường chứng khoán là cái gì đó rất nguy hiểm (mất tiền, chết người). Vì vậy mình không hề quan tâm chút nào để tìm hiểu về đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Nhưng một hôm mình nói chuyện với một đồng nghiệp. Bạn khoe mới đầu cơ vàng kiếm được kha khá, đủ góp thêm mua trả góp một căn nhà 500K. Mình cảm thấy quan tâm nên hỏi bạn trang web của broker.
Ngày xx/xx/2014. Mình mở tài khoản đầu tư chứng khoán và nạp 10K đầu tiên. Giao dịch đầu tiên của mình là mua 300 cổ phần của một công ti X lạ hoắc lạ huơ, chỉ vì nó vừa giảm 10% giá. Sau khi mua, cổ phiếu vẫn giảm tiếp. Đêm đó mình mất ngủ vì lỗ tạm thời 200$.
Ngày xx/xx/2014. Cổ phiếu công ti X tiếp tục giảm nên mình mua thêm 200 cổ phần nữa. Đây là chiến thuật trung bình giá (double down), mục đích giúp giá trung bình của cổ phiếu X giảm đi.
Ngày xx/xx/2014. Sau 2 tuần, cổ phiếu của X tăng trở lại. Mình vội vã bán toàn bộ 500 cổ phần, thu được lãi 350$ trên tổng vốn đầu tư 3500$. Không như những ngày trước lo lắng bất an, mất ngủ, mình tự cảm thấy mình cũng có năng khiếu buôn chứng khoán nên càng nghĩ đến chuyện đầu tư nhiều hơn.
Ngày xx/xx/2014. Mình rút tiền từ tài khoản tiết kiệm để nộp thêm 30K vào tài khoản đầu tư. Rút kinh nghiệm không đầu tư vào các công ti xa lạ nữa, mình chỉ tập trung vào các công ti công nghệ vì mình làm việc trong ngành khoa học máy tính.
Mình mua 300 cổ phần của Microsoft (giá lúc đó 42$), 300 cổ phần của Facebook (giá 64$), 50 cổ phần Apple (giá 90$) và 300 cổ phần của Oracle (giá 40$). Sau khoảng 2 tuần, khi có lãi thì mình bán hết toàn bộ. Kết quả, mình lãi hơn khoảng 100$ với Apple và Oracle, 200$ với Microsoft và nhiều nhất là hơn 1000$ với Facebook.
Mình càng thấy tự tin hơn với “năng khiếu” buôn chứng khoán của bản thân. Mình rút hết tiền tiết kiệm vào tài khoản đầu tư và xin đổi tài khoản sang tài khoản margin để có thể giao dịch với đòn bẩy 1:2.
Như vậy chỉ trong tháng đầu tiên, một trader mới nhập môn (không có kinh nghiệm và kiến thức gì) như mình đã đem toàn bộ tiền tiết kiệm đi đầu tư chứng khoán. Mình cũng chuyển từ tài khoản cash sang tài khoản margin có (độ rủi ro cao gấp đôi) để nâng tổng vốn đầu tư từ 10K lên 100K (đòn bẩy x2 của vốn tiền mặt 50K).
Bình luận:
1. “Thành công” sớm trong nghiệp trading chưa hẳn là tốt. Mình may mắn vì giai đoạn mình bắt đầu đầu tư, thị trường đang ở bull market và các công ti công nghệ đều tăng trưởng rất mạnh. Tuy nhiên, mình lại nhầm tưởng đó là năng lực stock picking của mình. Đây là ảo tưởng rất nguy hiểm cho mình về sau.
2. Chiến lược buy-and-hold với cổ phiếu có lợi về lâu dài, nhất là các cổ phiếu tăng trưởng nhanh như ngành công nghệ. Nếu mình giữ nguyên các khoản đầu tư vào Apple, Microsoft… như trên không bán, thì tại thời điểm cao nhất, danh mục đầu tư gần 50K của mình đã có giá trị tới 160K, chưa tính các khoản cổ tức tích luỹ dần sau nhiều năm.
3. Mình có rất nhiều sai lầm của newbie traders. Ví dụ, mình không có chiến thuật nào để chọn cổ phiếu: Mình chọn theo các công ti nổi tiếng. Mình cũng không có quy tắc khi nào nên mua, khi nào nên bán. Vì thế mình cứ mua khi mình thấy thích, bán khi mình thấy sợ. Khi lỗ thì mình mua thêm để lấy trung bình giá. Khi lãi thì mình bán vội lấy tiền. Mình không biết lúc nào là thời điểm bán tốt nhất, lúc nào là thời điểm mua tốt nhất để tối đa hoá lợi nhuận và tối thiểu hoá rủi ro.
Nếu các bạn cũng đang giao dịch như mình lúc đó thì kết cục có thể sẽ giống như mình. Đầu tiên có lãi nhỏ (do may mắn) nhưng sau đó thì thua lỗ, càng ngày càng nhiều hơn vì không hiểu vì sao mình thua nên càng muốn chơi thêm để gỡ vốn.
Bài viết của anh Nam Minh được đăng lần đầu trên Facebook và được đăng lại tại Vietish với sự đồng ý của tác giả.