Như đã viết ở bài đầu tiên, ngay khi bắt đầu mình đã mắc vài sai lầm như nhiều newbie khác. Chẳng hạn, mình không xây dựng hệ thống giao dịch mà mua bán theo cảm tính (thích thì mua, sợ lỗ thì bán). Mình không giao dịch thử nghiệm trên tài khoản demo (paper trading) mà mới trade được 2 tuần, thắng được một chút mình đã đem toàn bộ tiền tiết kiệm cho trading.
Giai đoạn đó, quản lí vốn, quản lí rủi ro, phân tích kĩ thuật, phân tích cơ bản… đều là những khái niệm nằm ngoài từ điển của mình. Mình mua cổ phiếu các công ti Microsoft, Facebook hay Apple đều vì mình làm trong ngành công nghệ thông tin nên tin tưởng high tech là lĩnh vực phát triển mạnh.
Như vậy những thắng lợi đầu tiên trong trading của mình hoàn toàn là may mắn (dù lúc đó mình không biết điều đó). Tổng kết lại, với số vốn 50K, sau 1 tháng mình lãi được khoảng 2K, tức là cỡ 4%/tháng. Bây giờ sau bao nhiêu thăng trầm thì mình biết 4%/tháng đã là mức lợi nhuận mơ ước của nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp. Còn lúc đó, mình chỉ cảm thấy vậy là quá ít (lương một tháng của mình đã gấp 5 lần như vậy rồi). Vì thế mình tìm hiểu các sản phẩm tài chính khác có mức lợi nhuận cao hơn.
Mình nghĩ đa số các bạn trader ở đây cũng từng có lúc kì vọng như vậy. Mình tin nhiều người tìm đến options (có thể tự tìm hiểu, có thể qua rủ rê) vì kì vọng có thể kiếm được số tiền lãi lớn trong thời gian ngắn và vốn ban đầu nhỏ. Rất nhiều quảng cáo, chia sẻ của các bạn trader cao thủ cho thấy các bạn có thể lãi 100%, 200% số vốn ban đầu (x2, x3 tài khoản) hoặc lãi vài chục ngàn USD trong một vài ngày có thể làm các bạn rất hưng phấn.
Với thị trường cổ phiếu (stock) thì điều này rất khó xảy ra. Dù giá cổ phiếu luôn biến động nhưng phần lớn các mã cổ phiếu dao động rất nhỏ, thường dưới 1% mỗi ngày. Ngay cả khi đang ở trong cuộc khủng hoảng kinh tế – y tế chưa từng có trong lịch sử 100 năm gần đây, thị trường chứng khoán Mỹ cũng chỉ giảm sâu tới hơn 35% rồi đang hồi phục dần.
Có 2 nguyên nhân chính. Một là cổ phiếu phản ánh sở hữu của các doanh nghiệp. khi doanh nghiệp kinh doanh sinh ra lợi nhuận, lợi nhuận đó sẽ phản ánh trong giá của cổ phiếu (ví dụ qua hệ số price/earning P/E). Trong tình huống bình thường thì các doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận ổn định, do đó giá của cổ phiếu tương đối ổn định.
Hai là cổ phiếu là tài sản thường tăng giá trị theo thời gian (do nhận được cổ tức, hoặc do doanh nghiệp phát triển nên cổ phiếu được tính giá cao hơn). Dù trong khủng hoảng các doanh nghiệp có làm ăn kém đi thì phần lớn vẫn sinh ra lợi nhuận. Do đó phần lớn cổ phiếu được thu mua và lưu giữ tại các ngân hàng đầu tư, các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, quỹ khuyến học, quỹ bảo hiểm… Các quỹ này chủ yếu buy and hold vì có lợi về thuế hoặc vì tập trung vào tăng trưởng trong dài hạn… Do đó cán cân cung cầu thường lệch về phía cầu: phía muốn mua cổ phiếu thường đông và nhiều tiền hơn phía bán. Khi giá trị của cổ phiếu xuống quá thấp thì các quỹ này sẽ mua thêm vào. Khi giá trị cổ phiếu lên quá cao thì họ thường chỉ bán ra chút ít để tái cân bằng danh mục đầu tư (rebalance).
Vì thế đầu tư vào cổ phiếu (nhất là cổ phiếu của các công ti lớn – bluechip, large cap) thì rất an toàn. Giá trị tài khoản biến động nhẹ và thường tăng hơn giảm. Hơn nữa, nhà đầu tư chuyên nghiệp còn có thể dùng rất nhiều công cụ phòng hộ (options, leveraged/inversed funds, asset allocation…) để đảm bảo danh mục đầu tư không bị biến động mạnh theo thị trường.
Tuy nhiên, nếu chúng ta có vốn ban đầu nhỏ thì đầu tư vào cổ phiếu sẽ tăng trưởng rất chậm. Giả sử bây giờ bạn có 500$ để dành muốn đầu tư. Mình là người từ tương lai trở về, nói với bạn nếu bạn mua cổ phiếu một số công ti thì sau 6 năm bạn sẽ có 1600$ (như mình hôm trước mua Apple, Microsoft, Facebook, Oracle vớn tổng vốn 50K và có 160K sau 6 năm). Bạn có thấy đây là một quyết định đầu tư đúng đắn?
Nếu là mình, mình sẽ không theo. Vì dù có tăng tài sản gấp 3 lần thì 1600$ vẫn quá ít và 6 năm quá lâu (50K thành 160K trong 6 năm thì lại khác).
Khi chỉ có vốn nhỏ nếu chúng ta muốn kiếm thật nhiều tiền thì chúng ta buộc phải đầu tư rủi ro hơn (high risk mới có high reward).
Đánh bạc (gamble) là hình thức “đầu tư” có rủi ro cao nhất. Ví dụ, với tài xỉu (đỏ đen), tỉ lệ thắng thua là 50:50. Nếu thắng, bạn lãi 100% số vốn ban đầu. Nếu thua, bạn mất 100%. Với binary option, tỉ suất lợi nhuận thấp hơn một chút: nếu thắng bạn được 70 – 95%, nếu thua bạn mất 100%. Tuy nhiên không như đỏ đen, binary option còn cho bạn một phần thông tin của game (biểu đồ tài chính, tỉ lệ người đặt cược mỗi bên, các tin tức kinh tế vĩ mô…), nên dựa trên các thông tin không đầy đủ đó, ai đó có thể xây dựng được một hệ thống dự đoán với xác suất đúng sai cao hơn 50:50.
Số đề và xổ số (lottery) thì còn có tỉ lệ lợi nhuận cao hơn hẳn. Xác suất thắng của số đề là 1% (trúng 1 số trong 100 số), nhưng tỉ lệ lợi nhuận là 7000% (70 lần). Xổ số thì xác suất cực thấp nhưng giải thưởng cực cao. Tuy nhiên, với số đề, xổ số, hay đỏ đen, chúng ta không có thông tin về trò chơi để có thể nâng xác suất dự đoán cao hơn xác suất ngẫu nhiên.
Giao dịch dùng đòn bẩy (leverage) là một cách khác để nâng cao tỉ lệ lợi nhuận trên vốn. Để minh hoạ, mình lấy ví dụ sau. Bạn theo dõi thị trường và đoán giá vàng sẽ tăng. Giả sử giá hiện giờ là 1700$ một lượng. Tuy nhiên bạn chỉ có 17$, không thể mua được một lượng vàng. Bạn đi vay ngân hàng 99% phần còn thiếu (1683$) để đủ mua một lượng. Ngày hôm sau vàng tăng giá lên 1750$. Bạn bán đi, trả ngân hàng tiền đã vay thì còn 67$. Như vậy bạn lãi 50$ so với 17$ tiền vốn bỏ ra. Tỉ lệ lợi nhuận là 300%.
Như vậy đòn bẩy tài chính có nguyên tắc như sau. Khi bạn không có đủ vốn để thực hiện một giao dịch thì bạn vay thêm một lượng vốn rất lớn thêm vào (gọi là đòn bẩy). Tỉ lệ đòn bẩy trong tình huống này là 1:100 vì giá trị giao dịch của bạn (1700$) lớn gấp 100 lần số vốn của bạn (17$). Điều này giống như tác dụng của đòn bẩy trong vật lí: Nếu bạn chỉ phát ra được một lực 1 pound, bạn vẫn có thể dùng đòn bẩy để tạo ra lực đẩy để nâng một vật có trọng lượng 100 pound.
Vậy rủi ro cao của đòn bẩy tài chính là gì? Giả sử trong ví dụ trên, nếu vàng không tăng lên 1750$ mà giảm xuống 1650$. Bạn phải bán đi và bù thêm 33$ mới đủ trả ngân hàng 1683$ bạn đã vay. Tính cả số vốn ban đầu 17$ thì bạn lỗ 50$ cả thảy. Tỉ lệ lỗ cũng là 300%. Hơn nữa, trong thị trường tài chính, giá giảm thường nhanh hơn giá tăng. Trong hoảng loạn mọi người có thể bán với giá 1600$ hay 1500$ một lượng. Khi đó bạn bị lỗ càng nhiều.
Nếu bạn chưa biết thì options chính là một dạng sản phẩm đòn bẩy tài chính. Ví dụ, bạn có thể mua call option cho SPY với giá 200$. Nhưng một call option tương ứng 100 cổ phần. SPY đang có giá cỡ 300 nên call option này cho phép bạn thưc hiện một giao dịch có trị giá 100 x 300$ = 30,000$. Nói cách khác, call option của bạn là một đòn bẩy tài chính với tỉ lệ 30,000/200 = 150 lần.
Bài viết của anh Nam Minh được đăng lần đầu trên Facebook và được đăng lại tại Vietish với sự đồng ý của tác giả.